Kết quả ấn tượng của ngành du lịch Việt Nam
Các chỉ tiêu về khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa và tổng thu từ khách du lịch đều tăng trưởng tốt. Việt Nam đón 15.497.791 lượt khách quốc tế, tăng 19,9% so với năm 2017. Lượng khách quốc tế đến từ 10 thị trường nguồn hàng đầu đạt 12.861.000 lượt, chiếm 83% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2018. Khách quốc tế đến Việt Nam trong 3 năm từ 2015 đến 2018 đã tăng trưởng mạnh, năm 2018 lượng khách đến đã tăng gần gấp đôi so với năm 2015. Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới xếp thứ 3/10 quốc gia điểm đến có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế nhanh nhất thế giới năm 2018, sau khi đã xếp thứ 6/10 vào năm 2017.
Các địa phương là trung tâm du lịch lớn của cả nước có tốc độ tăng trưởng mạnh như: TP. Hồ Chí Minh đón 36,5 triệu lượt khách, trong đó đạt 7,5 triệu lượt khách quốc tế; Hà Nội đón khoảng 28 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 5,5 triệu khách quốc tế, Quảng Ninh đón 12,5 triệu lượt khách, trong đó 5,3 triệu lượt khách quốc tế; Đà Nẵng đón 7,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt gần 3 triệu... Nhiều địa phương khác cũng đón lượng khách khá lớn, từ 6 triệu lượt khách trở lên: Khánh Hoà, Hải Phòng, Kiên Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Thanh Hoá...
Đặc biệt, năm 2018, du lịch Việt Nam nhận được rất nhiều các giải thưởng danh giá, uy tín trên thế giới, nổi bật nhất là giải thưởng “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á” tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới - World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á và châu Úc. Đồng thời, Việt Nam là “Điểm đến chơi golf hàng đầu châu Á” trong lễ trao giải của Golf World Travel Awards.
Tổng thu từ khách du lịch năm 2018 đạt 637 nghìn tỷ đồng (tăng 17,7% so với năm 2017). Trong đó tổng thu từ du lịch quốc tế đạt 383 nghìn tỷ đồng (chiếm 60,1%), tổng thu từ du lịch nội địa đạt 254 nghìn tỷ đồng (chiếm 39,9%). Ngành Du lịch đóng góp trên 8,4% vào GDP cả nước; tạo ra hơn 2,5 triệu việc làm, trong đó có hơn 900 nghìn việc làm trực tiếp.
Chất lượng dịch vụ du lịch cải thiện đáng kể. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục làm thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, góp phần hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế. Một số doanh nghiệp du lịch bước đầu thành lập các hãng hàng không đã tạo sự liên kết, phát triển mạnh mẽ giữa du lịch - hàng không. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn, điểm đến liên tiếp lọt vào danh sách điểm đến hấp dẫn nhất thế giới do các hãng thông tấn và tạp chí uy tín quốc tế bình chọn. Hạ tầng du lịch được cải thiện, chất lượng dịch vụ du lịch ngày càng được đầu tư và nâng cao. Công tác đảm bảo môi trường du lịch được thường xuyên kiểm tra, giám sát,… Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đánh giá: Sự phát triển của du lịch Việt Nam trong những năm gần đây là “câu chuyện thần kỳ”.
Thực trạng nhân lực ngành du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển của ngành du lịch. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), mỗi năm ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên, học viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm. Trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước, chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy. Nhiều địa phương, doanh nghiệp du lịch cũng cho biết du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực và bày tỏ lo ngại nếu không nhanh chóng cải thiện, nhân sự sẽ trở thành nút thắt lớn của ngành du lịch trong quá trình phát triển sắp tới.
Mặc dù là địa phương chiếm tới 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam nhưng nhân lực ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh có sự lệch pha mạnh giữa cung – cầu. Ông Vũ cho hay tại Thành phố Hồ Chí Minh có đến 63 đơn vị đào tạo các ngành nghề về du lịch (tăng đều qua các năm), trong đó 18 đại học có đào tạo ngành du lịch, 21 cao đẳng/cao đẳng nghề và 24 trung cấp nghề/trung học chuyên nghiệp. Thế nhưng số sinh viên, học viên tốt nghiệp vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 60% so với nhu cầu. Đó là chưa tính đến nguồn nhân lực ở các vị trí lao động gián tiếp, đặc biệt ở các vị trí quản lý.
Không chỉ thiếu, nhân lực ngành du lịch còn bị đánh giá yếu về chuyên môn. Theo thông tin từ Tổng cục Du lịch, năng suất lao động ngành du lịch Việt Nam thuộc hạng thấp nhất trong khu vực, đạt 3.477 USD/năm/người, chưa bằng 1/2 lần so với Thái Lan và chỉ bằng 1/15 so với Singapore. Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ đánh giá nguồn nhân lực hiện nay còn yếu về kỹ năng, ngoại ngữ và trình độ mà cốt lõi là vấn đề đào tạo. Phần lớn các công ty lữ hành khi tuyển dụng hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Công tác đào tạo hiện nay chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo quy chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch đã được ban hành. Chỉ có 8/500 chương trình đào tạo liên kết nước ngoài liên quan đến du lịch. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo chưa sát với thực tế, còn nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng thực hành.
Xuất phát từ nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được sự phát triển không ngừng của lĩnh vực du lịch Việt Nam trong những giai đoạn sắp tới, ngày 20/10/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 4929/BGDĐT- GDĐH về việc áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo các ngành về du lịch.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đại học, học viện, các trường đại học có đào tạo các ngành về du lịch (gọi chung là cơ sở đào tạo) khẩn trương triển khai xây dựng Đề án áp dụng cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực du lịch trình độ đại học. Cụ thể, Bộ quy định về những ngành được áp dụng cơ chế đặc thù; các chương trình, nội dung, hình thức đào tạo; cơ chế, chính sách ưu tiên đào tạo nhân lực du lịch; việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo đại học với doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp và hoạt động hỗ trợ đào tạo nhân lực du lịch. Trong đó, “việc hợp tác giữa cơ sở đào tạo đại học với doanh nghiệp” là một hướng đi vô cùng đúng đắn và mang tính chiến lược, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành du lịch và thực tế đào tạo tại các trường đại học tại Việt Nam.
Nguyên nhân từ công tác giảng dạy tại các cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch
Chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch hầu hết còn nặng về lý thuyết và xa rời thực tế. Nhu cầu về nhân lực của ngành du lịch rất lớn, nhưng sinh viên ra trường tìm được việc làm không dễ mà nguyên nhân chính vẫn là do kiến thức được trang bị trong thời gian đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Sở dĩ có tình trạng trên là do các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học đều chú trọng đào tạo sinh viên theo diện rộng, để sinh viên sau khi ra trường dễ thích ứng với hoàn cảnh, trong khi ở giai đoạn hiện nay, ngành du lịch đang là ngành mang tính cạnh tranh cao hơn so với các ngành dịch vụ khác. Chương trình đào tạo, bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo dù có được bổ sung dần nhưng vẫn còn quá ít so với các ngành nghề đào tạo khác và so với yêu cầu đào tạo nhân lực du lịch.
Đội ngũ cán bộ giảng dạy tại các cơ sở đào tạo du lịch ở Việt Nam hiện nay vừa thiếu vừa còn một số hạn chế như số lượng cán bộ giảng dạy đã qua đào tạo ở trình độ cao chuyên về du lịch không nhiều, hầu hết các cán bộ giảng dạy còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, hoặc được chuyển từ các môn khác, ngành khác sang dạy về du lịch. Chính vì vậy, số cán bộ giảng dạy có khả năng viết được giáo trình, tài liệu tham khảo, sách chuyên ngành phục vụ cho việc giảng dạy và học tập còn rất hạn chế.
Những giải pháp mang lại hiệu quả trong liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch tại TP. Hồ Chí Minh
Xuất phát từ mối quan hệ cùng có lợi (win – win) của doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo ngành du lịch Việt Nam, trên cơ sở nhu cầu liên kết đào tạo, phát huy vai trò của các chủ thể bao gồm: Nhà nước – Doanh nghiệp – Cơ sở đào tạo, tôi xin được đề ra một số giải pháp thiết thực và góp phần mang lại hiệu quả trong hoạt động liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch tại Việt Nam.
Một là, đổi mới và tăng cường công tác quản lý của Nhà nước trong việc xây dựng mối gắn kết bền vững giữa cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch. Nhà nước cần có chính sách, cơ chế phối hợp chặt chẽ về nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch. Tăng quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch, cơ sở cần được tự chủ và chủ động về quy mô đào tạo, hình thức tuyển sinh, xây dựng chương trình đào tạo, thu chi nguồn tài chính. Khuyến khích cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch để tăng động lực phát triển giữa các cơ sở với nhau về chất lượng sản phẩm đào tạo, uy tín cũng như hình ảnh, thương hiệu của cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch.
Hơn nữa, cần có trung tâm dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực có sự phối hợp với các ngành ở địa phương và tham gia của doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch để đảm bảo gắn chặt giữa đào tạo với sử dụng. Cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy sự phối, kết hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch, và quy định trách nhiệm của doanh nghiệp du lịch trong việc cung cấp thông tin về nhu cầu lao động và hỗ trợ trong quá trình đào tạo.
Hai là đối với cơ sở đào tạo ngành du lịch, cơ sở phải gắn kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, cần phải tự mình nâng cao năng lực đào tạo, xây dựng chuẩn đầu ra cho người học cần có sự tham khảo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp. Từ sự tham khảo nhu cầu thị trường và doanh nghiệp, cơ sở xây dựng khung chương trình giảng dạy, biên soạn và cải tiến giáo trình giảng dạy cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và yêu cầu của từng giai đoạn phát triển. Cơ sở đào tạo ngành du lịch cần thực hiện tốt phương châm đào tạo những gì xã hội cần chứ không đào tạo những gì nhà trường có, đào tạo lấy người học làm trung tâm. Bên cạnh việc đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp du lịch thì cơ sở đào tạo ngành du lịch cần phải đảm bảo tính tiên tiến, hiện đại của chương trình đào tạo, phải đào tạo ra những con người có khả năng học tập suốt đời. Ngoài ra, thông qua việc thường xuyên tranh thủ sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp du lịch, cơ sở có thể nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo và mở các ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp du lịch. Thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục bằng việc liên kết về tài chính và cơ sở vật chất, tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân ngành du lịch trực tiếp tham gia giảng dạy. Gắn kết việc điều hành nhân sự và tham gia quá trình đào tạo bằng cách ưu tiên tuyển dụng những giảng viên có kinh nghiệm làm việc trong các doanh nghiệp du lịch, xây dựng tiêu chuẩn đứng lớp đối với giảng viên như căn cứ vào trình độ chuyên môn, chuyên ngành, kinh nghiệm thực tế… Tùy thuộc học phần mà cơ sở đào tạo ngành du lịch có sự phân công và lựa chọn giảng viên cho phù hợp.
Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Đây là hình thức hợp tác cao nhất giữa nhà trường và doanh nghiệp. Tăng cường chặt chẽ hơn nữa về mối quan hệ giữa cựu sinh viên với nhà trường, tạo cơ chế để những cựu sinh viên đang làm việc tại doanh nghiệp liên hệ thường xuyên với nhà trường, có thể tổ chức những buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa lý thuyết với thực tiễn. Đây là cầu nối vững chắc giữa nhà trường và doanh nghiệp, rất hiệu quả, rất thiết thực. Qua sự liên kết này, nhà trường sẽ cải tiến chương trình đào tạo theo từng thời điểm sao cho phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Ba là, đối với doanh nghiệp du lịch, cách hữu hiệu nhất để việc gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo ngành du lịch và doanh nghiệp du lịch trong việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực là doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo bằng cách góp ý kiến về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo. Thông qua việc cung cấp thông tin, phản biện nội dung chương trình đào tạo, nhà trường có thể chỉnh sửa cho phù hợp với thực tế. Ngoài ra, doanh nghiệp du lịch hỗ trợ tài chính cũng như cơ sở vật chất bằng các hình thức như hỗ trợ học bổng cho sinh viên, ký kết các hợp đồng tư vấn, nghiên cứu khoa học. Mặt khác, doanh nghiệp du lịch có thể hỗ trợ tài chính cho nhà trường bằng việc thành lập các công ty, khu công nghệ, khu thực hành, giảng đường, phòng thí nghiệm trang thiết bị cho giảng dạy và học tập. Hơn nữa, doanh nghiệp du lịch cần cử các chuyên viên, chuyên gia lành nghề tham gia trực tiếp giảng dạy hoặc hướng dẫn thực hành tại cơ sở đào tạo ngành du lịch hoặc tại doanh nghiệp du lịch. Ngoài ra, các doanh nghiệp du lịch cũng cần có thiện chí và tạo điều kiện tiếp nhận các giảng viên, cán bộ quản lý đến doanh nghiệp học tập, học hỏi kinh nghiệm hoặc trao đổi những vướng mắc giữa chương trình đào tạo và yêu cầu của thực tế.
Ngoài ba nhóm giải pháp trên liên quan đến vai trò của Nhà nước – Doanh nghiệp – Cơ sở đào tạo, tôi xin được bổ sung thêm nhóm giải pháp thứ tư với vai trò của người học – là những sinh viên theo học tại các cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch. Bởi đây cũng là chủ thể có vai trò tiếp nhận, chịu trách hưởng trực tiếp bởi những chiến lược, kế hoạch và chính sách của nhóm vai trò Nhà nước – Doanh nghiệp – Cơ sở đào tạo, góp phần không nhỏ trong việc mang đến hiệu quả của hoạt động liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch tại Việt Nam.
Bốn là, đối với người học. Người học phải biết tích cực, chủ động và đặt vấn đề tự học lên làm trung tâm. Ngoài nội dung học trên lớp, người học cần học và tìm hiểu thêm kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng… tham gia các diễn đàn, thuyết trình, hội thảo về chuyên ngành giữa nhà trường và doanh nghiệp, tham gia vào các nhóm nghiên cứu khoa học tăng khả năng tư duy, phát hiện và xử lý vấn đề hoặc tham gia thực tập thực tế theo chuyên ngành đào tạo tại các doanh nghiệp nhằm vận dụng kiến thức đã tiếp nhận ở nhà trường vào thực tế doanh nghiệp, trau dồi kinh nghiệm, lòng tự tin, bản lĩnh tìm cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Mặt khác, người học phải tạo được tâm lý ổn định, vững vàng và phải có lòng yêu nghề, có mục tiêu, định hướng rõ ràng trong quá trình học tập, tạo nên một nền tảng kiến thức cũng như phần nền vững chắc để phục vụ tốt cho công việc sau này.
Đẩy mạnh sự hợp tác doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là giải pháp không thể thiếu ở bất cứ một nền giáo dục nào nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn đầu ra ưu tú, mặt khác tạo cho doanh nghiệp một lực lượng lao động tiên tiến, đáp ứng nhu cầu công việc, tạo cho xã hội một thế hệ tri thức năng động, hiệu quả. Hiện nay, việc liên kết đào tạo giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch ở nước ta còn chưa phát triển mạnh mẽ, nặng tính lý thuyết và chưa phát huy tối đa hiệu quả của hoạt động này. Vì vậy, cùng với việc tăng cường sự hợp tác, nâng cao hoạt động trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy việc tìm kiếm lẫn nhau giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch thì việc quan tâm hỗ trợ từ phía Nhà nước thông qua các cơ chế chính sách thúc đẩy và khuyến khích sự hợp tác này cũng là một giải pháp rất quan trọng.
Với công thức kết hợp Nhà nước – Cơ sở đào tạo – Doanh nghiệp, xuất phát từ lợi ích thiết thực, chính đáng từ các doanh nghiệp du lịch, cơ sở đào tạo đại học ngành du lịch và xã hội, hi vọng có thể đẩy mạnh sự phát triển của giáo dục đào tạo chất lượng cao hơn khi những năm sắp tới, khi thị trường lao động tại Đông Nam Á có sự chuyển biến chuyển dịch tự do giữa các quốc gia như: Thái Lan, Việt Nam, Lào, Singapore, Malaysia, Indonesia… Có như thế, nền kinh tế ở nước ta mới có thể sánh vai kịp với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Châu Á, và các quốc gia trên thế giới.